Một ngày vào tháng 5, các học sinh lớp cuối trường trung học Anna, tiểu bang Ohio, tập trung học cách điều khiển một cánh tay robot. Bài tập yêu cầu làm sao lập trình để cánh tay này biết lượm từng viên pin AA bỏ từ nơi này sang nơi khác. Để tăng độ khó, trước khi bỏ vào vị trí thứ nhì, bài tập yêu cầu học sinh biết điều khiển cánh tay cầm viên pin xoay một vòng trong một chiếc hộp nhỏ. Khi viết lệnh chưa chính xác, cánh tay có thể làm rơi viên pin, có thể bỏ sai vị trí. Mỗi lần như thế các em lại hăm hở ngồi rà soát lại từng dòng lệnh, bàn cách chỉnh sửa. Đó là cách tờ New York Times miêu tả học sinh Mỹ ở một ngôi trường vùng nông thôn học về robot công nghiệp và các kỹ thuật dùng trong nền sản xuất hiện đại. Một học sinh cho biết cánh tay robot trong trường giống y như một cách tay robot mà em từng thấy ở một nhà máy lắp ráp động cơ của Honda nằm cách đó mấy dặm. Nếu sau này ra trường làm ở một nhà máy, có lẽ các em cũng sẽ làm điều tương tự như buổi học ngày hôm nay. Để chuẩn bị cho học sinh thích nghi với nền sản xuất đang dần dần được tự động hóa, trường học ở nhiều nơi trên thế giới đang đưa vào chương trình giảng dạy các môn như lập trình robot, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Các trường này phải biên soạn giáo trình dựa vào tài liệu do các nhà sản xuất cung cấp - dù chương trình chỉ nhằm cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về một nhà máy hiện đại để khuyến khích các em đi theo con đường làm công nhân điều khiển máy móc. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo robot sẽ lấy đi 75 triệu công việc trên toàn cầu vào năm 2022 nhưng đồng thời cũng tạo ra 133 triệu việc làm mới. Một nghiên cứu khác của hãng tư vấn Korn Ferry cho biết các nhà sản xuất toàn cầu có khả năng thiếu 7,9 triệu công nhân vào năm 2030.Hiện nay cảm nhận của giới trẻ về công việc trong các nhà xưởng là tiêu cực theo kiểu tay chân sẽ dính dầu mỡ suốt ngày. Nhiều người không hình dung ra môi trường làm việc trong các nhà xưởng hiện đại ngày nay đã thay đổi như thế nào. Và nhiều người nữa không biết vai trò của người công nhân trong nhà máy tự động hóa đã hoàn toàn khác trước. Đó là lý do Quỹ giáo dục phi lợi nhuận SME giúp tổ chức lớp học về robot tại trường Anna với sự hợp tác của hãng Honda và gần 50 trường khác ở Mỹ. Phó chủ tịch quỹ này, Rob Luce nói với tờ New York Times: “Nước nào ý thức được sự thay đổi này trước tiên sẽ ở vị trí tiên phong, tận dụng được thời cơ”. Các tổ chức như quỹ này đang chuẩn bị cho một giai đoạn sắp tới khi sản xuất có thể sẽ quay trở lại các nước phát triển nhưng được tự động hóa cao độ và có sẵn một đội ngũ công nhân lành nghề, hiểu theo nghĩa thành thạo những kỹ năng mới như lập trình robot, điều khiển, sửa chữa, bảo trì và lắp đặt robot cho những dây chuyền sản xuất.
Theo số liệu của Liên đoàn robot quốc tế, số lượng robot bán ra toàn cầu tăng từ 221.000 đơn vị năm 2014 lên 381.000 đơn vị năm 2017. Nơi này cũng dự báo con số này sẽ đạt 484.000 đơn vị vào cuối năm này và lên đến 553.000 robot vào năm tới. Tờ New York Times quay sang trường cấp 2 Hans Dietrich Genscher Schule gần Bonn, Đức. Tại đây Amelie Haves, một học sinh mới 14 tuổi cũng đang học cách điều khiển một cánh tay robot khác. Em cho biết trông thì khó nhưng thật ra lập trình điều khiển robot cũng không khó cho lắm. Em đang học bằng con đường thực hành chứ không phải chỉ toàn sách vở. Chương trình Amelie học là do nhà sản xuất robot Nhật Bản, Yaskawa cung cấp. Học xong trong hai năm em sẽ được cấp giấy chứng nhận thành thạo trong việc điều khiển cánh tay robot trong sản xuất. Trong khi mẹ của em nói, thay vì sợ robot lấy mất việc làm tại sao không học cách điều khiển nó, thầy của Amelie cho rằng không thể để học sinh ra đời tham gia lực lượng lao động mà không có kiến thức căn bản để xử lý các hệ thống tự động hóa phức tạp. Tại Mexico, giới chức giáo dục cũng rất muốn đưa chương trình dạy về robot vào các trường công lập. RobotiX một công ty giáo dục chuyên về robot cho biết họ đã triển khai chương trình vào hơn 1.400 trường ở Mexico. RobotiX gửi các huấn luyện viên của mình đến trường để đào tạo cho giáo viên - hơn 1.600 giáo viên đã qua các khóa huấn luyện này. Điều đặc biệt, cha mẹ là nguồn động lực thúc đẩy chương trình này tại Mexico vì họ biết để con cái họ có việc làm tốt trong tương lai, chúng phải có kỹ năng thiết kế, lập trình và sửa chữa một con robot. Tại Mexico, chừng một phần ba học sinh ở nội trú nên nhiều em loay hoay với bài tập robot của mình đến tận 10 giờ đêm. Với bài tập cuối khóa, các em lập thành nhóm để chế tạo robot của riêng nhóm mình. Có thể thấy cả ba mô hình ở Mỹ, Đức, Mexico mà tờ New York Times đề cập đều có sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp có sự ủng hộ của phụ huynh. Một mình nhà trường không có đủ nguồn lực để thực hiện trong khi doanh nghiệp cũng không thể ngồi chờ trường đào tạo công nhân biết điều khiển robot cho mình. Hợp tác để đổi mới giáo dục phục vụ cuộc sống là con đường hay hơn nhiều là ngồi than về chuyện robot sẽ lấy hết việc của công nhân. |
Ý kiến bạn đọc