Tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế, khoa thương mại với số điểm tầm tầm trên dưới 6,0, Loan ung dung bước vào một công ty nhà nước ở quận Bình Thạnh, phòng xuất nhập khẩu mà không phải qua phỏng vấn, đơn giản vì chỗ ngồi của cô đã được gia đình "đặt cọc" và định hướng trước.
Mang danh là nhân viên phòng xuất nhập khẩu, nhưng Loan chỉ làm những công việc đơn giản như: lưu giữ chứng từ, photo hồ sơ, xin chữ ký của sếp hay luân chuyển hóa đơn, giấy tờ sang các phòng ban liên quan.
Có việc làm, tới tháng vẫn lãnh lương, nhưng công việc nhàn, nhàm đến nỗi những người trẻ cảm thấy mình không có cơ hội phấn đấu hay sử dụng hết năng lực của mình. "Thất nghiệp" khi đang làm việc là một thực trạng xảy ra không hiếm với những người trẻ hôm nay khi cơ quan của họ không có môi trường "máu lửa" để người trẻ khẳng định, phát huy tối đa khả năng của mình. Sự bình yên và tính ổn định trong trường hợp này cũng có cái giá của nó. Sau hơn 4 năm, Loan vẫn bằng lòng với sự ổn định: "Ra ngoài làm thu nhập chắc gì cao hơn, mà dễ bị mất việc, làm công ty nhà nước cho chắc ăn".
Có những người có công việc thật sự đòi hỏi phải sử dụng khả năng chuyên môn, nhưng vì cơ quan thừa nhân lực nên đành chia nhỏ việc, làm… cầm hơi. Quốc Cường, tốt nghiệp Nhạc viện, về làm việc cho một chương trình âm nhạc - giải trí của đài. Mỗi tuần chỉ làm 1- 2 chương trình, khối lượng công việc khá ít ỏi và đơn giản. Trong một tuần chỉ mất hai ngày làm chính thức ở cơ quan, những ngày còn lại thì đọc báo, tán gẫu, đi uống cà phê, bàn chuyện thiên hạ… "Mỗi sáng phải vào cho sếp thấy mặt, quanh quẩn gần cơ quan để lỡ sếp gọi còn biết mà chạy về!". Buổi tối, Cường chơi piano cùng một nhóm bạn tại một quán cà phê nhạc sang trọng tại quận 1 để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ có cơ quan nhà nước mà một số công ty kinh doanh của tư nhân, nhân viên cũng rơi vào tình trạng "thất nghiệp" khi đang làm việc. Băng Châu, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, được nhận về làm việc cho một nhãn hiệu thời trang có tiếng. Nhân viên trong công ty được phân định công việc, trách nhiệm một cách rạch ròi: từ khâu thu mua, thiết kế, cắt may cho đến trưng bày, quản lý. Châu được tuyển để chỉ làm một công việc: trông coi việc trưng bày trang phục cửa hàng.
Ngày ngày, Châu trong bộ đồng phục áo dài, mỗi sáng đến cửa hàng vào lúc 8h sáng, sắp xếp lại cửa hàng, từ bình hoa cho đến chiếc móc treo, dáng đứng của ma-nơ-canh. Khi có khách, cô lại rảo quanh một vòng để đảm bảo hàng hóa được sắp xếp ngay ngắn theo một trật tự đã định sẵn. Mỗi tháng, mức lương mà cô nhận được là 3 triệu đồng. Châu tự nhận là mình được trả lương rất cao cho một công việc buồn tẻ, làm nhưng mang đầy "cảm giác thất nghiệp" này. "Trước sau gì tôi cũng tìm một công việc mới, nhưng giờ thì cố làm quen với nó để kiếm ít tiền dằn túi, chút vốn làm ăn"- cô nói.
Có ngàn lẻ một lý do để bám lấy công việc mà nhiều khi chính họ cũng cảm thấy nhàm chán. Và họ chấp nhận tình trạng "thất nghiệp", quá nhàn tản khi đang làm việc để trả giá cho sự ổn định mà họ cho là cần thiết.
Với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, lớp trẻ ngày nay được đánh giá là năng động hơn, bản lĩnh hơn, sáng tạo tự thân để có những thể hiện, khẳng định năng lực và những đột phá của mình. Điều đó rất cần cho sự phát triển chung của xã hội cũng như của mỗi người.
Chúng tôi nghĩ rằng, với những người trẻ này, chấp nhận sự "thất nghiệp" khi đang làm việc có khi chỉ là tạm thời. Bởi trong số họ, có nhiều người vẫn tiếc thời gian thừa thãi, tìm cách xoay trở cho ngày mai sẽ khác hôm nay.
Ý kiến bạn đọc