Điều kiện để được tuyển sinh nước ngoài thực chất là tiêu chuẩn để các trường tư (PEI) đạt được chứng chỉ chất lượng EduTrust của Hội đồng giáo dục tư thục (CPE) trực thuộc Bộ Giáo dục Singapore. CPE cấp chứng chỉ EduTrust cho các PEI và từng khóa học mà PEI tổ chức.
Theo báo Straits Times, từ tháng 1.2013, EduTrust chỉ được cấp khi các PEI có tài chính lành mạnh và nguồn kinh phí dồi dào để có thể mở rộng hoạt động. Hôm 8.11, chi nhánh nước ngoài duy nhất của Tisch School of the Arts - trường đào tạo đạo diễn phim danh tiếng thuộc New York University (Mỹ) - tại Singapore tuyên bố đóng cửa sau 5 năm hoạt động vì thua lỗ.
Đảm bảo quyền lợi cho người học
EduTrust ra đời tháng 12.2009 nhằm “dọn dẹp” hệ thống trường tư đã hủy hoại tham vọng trở thành trung tâm giáo dục châu Á của Singapore, khi rất nhiều PEI đóng cửa hoặc bị phát hiện có cơ sở vật chất quá tồi, bê bối tài chính và đào tạo trái phép. Đến trước tháng 12.2009, trên lãnh thổ 700 km2 với chưa đầy 5 triệu dân, có hơn 1.000 PEI được phép tuyển sinh nước ngoài cho các khóa học từ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề, cho đến bằng cử nhân, thạc sĩ. Chất lượng các PEI cũng như đầu vào của học viên bị thả nổi. Ông Henry Heng, Giám đốc CPE, từng nhận định: “Tiêu chuẩn mở trường thấp đến mức bất kỳ ai có vài trăm đô la cũng có thể lập ra một trường tư, và họ đã làm như vậy. Đó là một cách dễ dàng để kiếm tiền”.
CPE vì vậy được thành lập tháng 1.2009, và EduTrust ra đời thay thế hệ thống chứng nhận CaseTrust do Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng (CASE) quản lý, vốn chỉ đảm bảo học phí của học viên nếu trường đóng cửa. Tuy vậy, trong thực tế mà Báo Thanh Niên từng phản ánh, có trường tư đột ngột đóng cửa, chủ nhân biến mất cùng tài sản, khiến cả CASE lẫn tòa án bất lực. Người chịu thiệt thòi đương nhiên là học viên, vừa dở dang việc học vừa mất luôn tiền học phí đã đóng trước. Những PEI được cấp Edutrust Provisional có thể được tái cấp thêm một năm nữa, sau đó nếu không cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo để nâng cấp lên EduTrust toàn phần thì sẽ bị tước chứng nhận.
Cấp cả dưới chuẩn trung bình
Sau khi EduTrust được áp dụng, các PEI có 18 tháng để tự nâng cấp mình, mời chuyên gia đánh giá nội bộ hệ thống và lập hồ sơ đăng ký EduTrust với CPE. Đến giữa tháng 6.2011, thời điểm kết thúc đăng ký, có 328 PEI được xếp đủ tiêu chuẩn đăng ký, 42 tiếp tục được xem xét, và chỉ có 66 được cấp EduTrust tạm thời hoặc toàn phần. Đến ngày 13.11.2012, có 339 PEI đủ tiêu chuẩn đăng ký, trong đó 115 trường được EduTrust. Như vậy, đã có hơn 2/3 PEI đóng cửa hoặc sáp nhập trong gần 3 năm qua.
Theo báo Straits Times ngày 5.11, hiện tại CPE đang cấp EduTrust dưới chuẩn sàn do chính họ đặt ra. Cụ thể, một số trường đoạt EduTrust chỉ đáp ứng được bậc 2 trong hệ thống gồm 5 bậc, trong khi chuẩn sàn là bậc 3. Theo tài liệu EduTrust mà Thanh Niên tiếp cận được, hệ thống chuẩn 5 bậc này chủ yếu dùng để đánh giá cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý hạ tầng, dịch vụ của trường. Từ tháng 1.2013, chuẩn bậc 3 sẽ được áp dụng, con số PEI đủ tiêu chuẩn đăng ký sẽ giảm xuống và chất lượng trường đạt chuẩn EduTrust cũng sẽ được nâng lên. Báo Straits Times cũng cho biết, trong tương lai, các PEI phải thực hiện khảo sát và công khai chất lượng học viên sau đào tạo, thể hiện qua công việc và mức lương mà họ nhận được từ tấm bằng hoặc chứng chỉ mà nhà trường cấp.
Ý kiến bạn đọc