TRƯỜNG DOANH NHÂN MQA - KỶ LỤC
TRUNG TÂM HỢP TÁC QUỐC TẾ - ĐÀO TẠO NHÂN TÀI

Đăng nhập

Danh mục bài giảng

Bộ đếm

  • Phút online: 1.430
  • Tổng lượt truy cập: 7.680.351

Hỗ trợ trực tuyến


Thời gian hỗ trợ từ:
Trưa: 11h đến 14h
Enable GingerCannot connect to Ginger Check your internet connection
or reload the browserDisable in this text fieldEditEdit in GingerEdit in Ginger×
OCOP
20 NĂM KINH TẾ XANH VỚI TS MỘC QUẾ
smart city
NÔNG NGHIỆP SẠCH
HÀNH TRÌNH
du học Nhật bản

Sự kì lạ của lão nông Hai Chìa

Đăng lúc: Thứ tư - 30/01/2019 09:39 - Người đăng bài viết: Quản trị cao cấp

TTO - Hơn một thập kỷ trước, vườn nhãn sum sê mỗi năm mang về cho lão nông Hai Chìa cả trăm triệu đồng. Một ngày nọ, trời bén duyên đưa lũ chim trời kéo về vườn nhãn. Hai Chìa bấm bụng bỏ vườn cho bầy chim thống trị...

Sự quái lạ của lão nông Hai Chìa - Ảnh 1.

Lão nông Hai Chìa trong khu vườn của mình - Ảnh: CHÍ HẠNH

Tháng ba chúng về đông nhất để sinh sản, chừng tháng sáu kéo nhau đi. Nhưng vài tháng sau chim lại bay về. Cứ như vậy mà đã gần 12 năm nay rồi.

Lão nông Hai Chìa

Đến ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hỏi thăm về lão nông sở hữu vườn chim trời hàng ngàn con thì từ đầu đến cuối xóm ai cũng biết.

 

Vườn nhãn biến thành vườn chim hoang dã

 

Đó là lão nông Lê Văn Chìa (73 tuổi) mà người dân trong ấp hay gọi ông là Hai Chìa. Tiếng tăm của ông Hai Chìa nổi như cồn không phải vì giàu có hay có tài cán gì đặc biệt, mà lão nổi tiếng bởi sự quái lạ là bỏ đất, bỏ vườn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho bầy chim. 

 

Người dân từ đầu đến cuối xóm ai cũng gọi Hai Chìa là "lão điên", nhưng họ cũng phải trầm trồ khen ngợi mỗi khi đi ngang qua vườn chim hoang dã của lão.

 

Sống cách nhà lão nông Hai Chìa chừng 500m, ông Sơn Khen (86 tuổi) cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhắc đến "người quái lạ" Hai Chìa. 

 

Ông nói: "Tui đi buôn trái cây khắp cái đồng bằng này mà không thể nào kiếm được vườn chim nào hoang dã, tự nhiên như vườn của ông Hai Chìa. Thời buổi bây giờ chim cò bị săn bắt khủng khiếp để làm mồi nhậu, thì ở xứ này lại có một vườn chim hoang dã cả ngàn con ngày đêm sinh sôi nảy nở, kêu ríu rít nghe đã lỗ tai. Mỗi lần đi ngang qua vườn của Hai Chìa, tui cứ ngỡ mình đang sống ở cái thời mới đi khai hoang hàng chục năm về trước vậy".

 

Căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm ven mé ruộng ở ấp Gia Kiết là nơi chôn nhau cắt rốn của lão Hai Chìa. Vợ chồng lão chọn đây làm nơi an hưởng tuổi xế chiều. Lão có ba người con trai nhưng đều đã yên bề gia thất ra ở riêng tận miền Đông Nam Bộ. 

 

Bởi vậy, khi nhà có khách, vợ chồng lão vô cùng mừng rỡ. Vội đi pha ấm trà nóng ân cần mời khách, lão Hai Chìa đem ra cuốn tập ghi chép tỉ mỉ ngày tháng đàn chim bay đi bay về khá chi tiết rồi nói: "Tháng ba chúng về đông nhất để sinh sản, chừng tháng sáu lại kéo nhau đi. Nhưng vài tháng sau chim lại bay về. Cứ như vậy mà đã gần 12 năm nay rồi".

 

Theo lão Hai Chìa, khu vườn nhà lão có tổng cộng 2,4ha chuyên canh tác các loại nhãn, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Các con lão cũng nhờ vườn nhãn này mà được ăn học tử tế thành tài. Nhưng vào năm 2006, bỗng từ đâu xuất hiện một đàn vạc hơn trăm con bay về vườn nhãn trú ngụ, tiếp theo đó các đàn cò, còng cọc... kéo về ngày một đông đúc. 

 

"Ban đầu tui chỉ thấy lạ lẫm và chạy ra xem đàn chim bay lượn. Chim bay lượn vần vũ trên trời rồi cắm đầu đáp xuống vườn cây trông rất đã mắt. Dần về sau, bầy chim ngày một lớn, có lúc lên đến gần 5.000 con. Chiều tối là vạc bay đi, rạng sáng là còng cọc, chúng luân phiên nhau "giữ nhà" để đi kiếm mồi thấy thương lắm!" - lão Hai Chìa nhớ lại.

 

Sự quái lạ của lão nông Hai Chìa - Ảnh 3.

Chim bay về khu vườn nhãn của lão nông Hai Chìa - Ảnh: CHÍ HẠNH

Bỏ kế sinh nhai, cưu mang đàn vạc

 

 

Bà Lê Thị Thôi (69 tuổi, vợ lão Hai Chìa) kể lại hồi đó cứ mỗi lúc ăn cơm chiều mà thấy đàn chim bay về là chồng bà quăng chén đũa bỏ chạy ra vườn. 

 

"Do vạc về đông quá nên vườn nhãn bị chúng tàn phá khó đậu trái, mùa thu hoạch nào cũng gặp khó khăn. Thằng cháu phụ tôi làm vườn chạy ra xua đuổi, nhưng bay đi được ít ngày chúng lại bay về làm tổ. Riết rồi cũng quen, chim ở thì thấy thương, thấy tiếc của mà chúng đi mình lại thấy buồn" - bà Thôi tâm sự.

 

Đuổi hoài đàn vạc không chịu đi, lão nông Hai Chìa về bàn bạc với các con thôi đành để chúng ở lại. Vậy là từ đó, người cháu của vợ chồng lão Hai Chìa đành phải bỏ nhà, gói ghém đồ đạc lên Bình Dương làm ăn sinh sống. 

 

Ở nhà, lão Hai Chìa quyết định bỏ hoang khu vườn cây ăn trái rộng 1,8ha cho bầy chim trời muốn làm gì thì làm. Mọi chi tiêu phải nhờ tiền phụng dưỡng từ con cái, nhưng lão Hai Chìa cũng bấm bụng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới, dây về bao hết khu vườn nhằm chống người săn bắt chim.

 

Theo chân lão Hai Chìa, chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp chẳng khác gì rừng U Minh. Vang một góc trời, tiếng "eng éc, oạc oạc..." của "dàn giao hưởng" chim còng cọc, cò, vạc nghe rất vui tai khiến con người ta như trút hết bao muộn phiền. 

 

Để bảo vệ đàn chim, lão Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Ở cuối bìa khu vườn, lão cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây nằm canh trộm. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, lão Hai Chìa cười nói sảng khoái: "Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó nhé, trộm vào là tui biết ngay".

 

"Bẫy" mà lão Hai Chìa nói thực ra là hai sợi dây bao quanh khu vườn, được đấu nối vào một chiếc lon sữa bò đặt sát gian nhà nơi sinh sống. Khi có trộm vào săn bắt chim vướng dây là bên trong nhà lon sẽ bật chốt báo động. Lão còn dùng cành cây khô và lá để "đặt bẫy", nếu có người xâm nhập lấy trứng hoặc chim non lão sẽ biết.

 

Theo kinh nghiệm của lão, vào ban đêm nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc cất tiếng "kêu cứu". Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay bão, lão Hai Chìa ngay lập tức xách đèn, xách ná ra bắn đuổi trộm đi. 

 

Sống với bầy chim hơn một thập kỷ, vợ chồng lão nông Hai Chìa coi chúng như con mình, chăm chút từng li từng tí. Thời gian rảnh rỗi, lão còn ra sông đặt dớn, đặt lọp bắt tôm cá về đổ vào khu vườn cho chim ăn.

 

"Cũng có nhiều người nói này nọ rằng tôi uổng công xúc tép nuôi cò, cho chúng ăn rồi ngày nào đó chúng cũng sẽ bỏ đi. Nhưng tui tin và cảm nhận được qua từng tiếng kêu rằng bầy chim này đã chọn vườn nhãn của tôi làm mảnh đất lành để trú ngụ. Giờ tuổi cũng già rồi, tui với bả đang bàn cách dành dụm mớ tiền xây hàng rào thép quanh khu vườn bảo vệ chim để có cái mà bầu bạn đến hết đời" - lão Hai Chìa tâm sự.

 

Hỗ trợ Hai Chìa

Ông Ngô Vĩnh Tuân, phó chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, cho biết khi tận mắt nhìn thấy khu vườn với hàng ngàn con vạc, cò, còng cọc... của lão Hai Chìa, ai cũng lấy làm kỳ lạ và không hiểu vì sao chim lại kéo về đây ở nhiều. Thời buổi bây giờ kiếm được khu vườn vài trăm con chim thật sự đỏ con mắt vì nạn săn bắt hoành hành quá dữ dội.

Thời gian qua, đại diện xã và kiểm lâm đã đến khảo sát chim trong vườn của lão Hai Chìa nhưng chưa phát hiện loài nào nằm trong sách đỏ.

Tuy nhiên, phía UBND tỉnh đã lập dự án bảo tồn khu vườn của lão Hai Chìa như một khu sinh thái tự nhiên. UBND xã Tân Mỹ cũng coi việc lão Hai Chìa đã làm với bầy chim là một hành động đẹp để bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài vật trước nạn săn bắt tận diệt. Do đó, UBND xã Tân Mỹ đã yêu cầu phía công an hỗ trợ lão Hai Chìa chống lại nạn săn bắt trộm.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc