XÂY DỰNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH - DOANH NHÂN
HOÀN CẢNH 7:
GIA ĐÌNH RẠN NỨT
Có khá nhiều doanh nhân tâm sự và ai cũng công nhận rằng xung đột gay gắt nhiều mặt thường xuyên xảy ra trong gia đình, dẫn đến khả năng rạn nứt, ly hôn. Họ có thể rời bỏ buổi sáng sớm ở nhà để ra ngồi uống cà phê các nơi. Họ có thể rời bỏ buổi cơm trưa ở nhà. Họ có thể bận họp khi nghe con bị ốm, khi nghe con nhập viện mà chỉ gửi tiền về hoặc nhờ ông xe ôm mang tiền đến. Họ có thể rời bỏ bằng cách bận đi xa, hoặc đúng giờ không thể rời bỏ bàn nhậu được để mặc cho con đứng bơ vơ giữa sân trường. Họ có thể rời bỏ một buổi trưa để đi với mối tình văn phòng, đi khách sạn. Hàng nghìn cái rạn nứt mà ai cũng cảm được, “sờ” được mà tìm cách giải quyết lại rất khó khăn. Thử tìm hiểu những nguyên nhân sâu đây dẫn đến gia đình rạn nứt.
Nguyên nhân 1: Do cha mẹ lo làm ăn, chỉ biết chu cấp vật chất cho con em. Quan niệm chu cấp cho con em về vật chất thì đã quá đủ vì có tiền, có osin, có bà ngoại, bà dì lo. Nếu hành động lo cấp dưỡng và xem đó là “nét văn hóa” thì sẽ tạo ra hậu quả, đó là gia đình mua sắm, cấp dưới, cán bộ công nhân viên có cái mà chi tiêu, cho tặng, biếu xén. Nhưng “quả” này dẫn tới thói quen của một gia đình là vòi vĩnh, tiêu xài, chứ không có thói quen ứng xử khi gia đình có sự cố. Như vậy, doanh nhân phải giáo dục tình thương yêu, giáo dục ái ngữ, giáo dục kính trên nhường dưới… Cái “quả” đó sẽ tạo ra cho chính mỗi người trong gia đình, cảm nhận nhanh chóng vết rạn nứt ở đâu thì sẽ hàn gắn lại liền. Vì chỉ lo vật chất nên hành động của họ sẽ dùng vật chất để hàn gắn cái vết nứt. Ví dụ: Khi có chuyện rạn nứt thì “đi shopping nha em”, khi có chuyện rạn nứt với con thì “mua quà tặng con”… Như vậy, vật chất đó dần dần sẽ trở thành một thanh gươm bén, cắt đứt đi trái tim nhân ái, lòng thương yêu, sự rung cảm mềm mại của gia đình. Có rất nhiều gia đình nghèo, không được lo về vật chất đầy đủ nhưng họ sống rất hài hòa. Doanh nhân quen với vật chất nên xử lý tình huống gì cũng bằng vật chất và hình thành nếp nghĩ automatic (tự động), đó là khi có rạn nứt gia đình là dùng vật chất, mua sắm, shopping để hàn gắn. Điều này thật nguy cơ. Chúng ta phải nhận diện được rằng, mỗi người phụ nữ khi chồng giận, chồng yêu trở lại và cho tiền đi shopping dễ dẫn tới hiện tượng người phụ nữ đó sẽ hư, dần dần sẽ có một nếp trong vỏ não là vết rạn nứt gia đình được hàn gắn bởi shopping.
Nguyên nhân 2: Gia đình rạn nứt từ góc nhìn kinh tế thị trường, doanh nhân quan niệm “có làm thì mới có ăn”, nên cứ nghĩ rằng trong gia đình, ai làm thì mới cho ăn, nên hình thành một văn hóa rất thực dụng. Ai không có khả năng phục vụ sự nghiệp kinh doanh thì sẽ “ra rìa”. Rất nhiều bà vợ không có khả năng giúp được chồng thì đành đứng nhìn vết rạn nứt gia đình từ hai chữ “làm ăn”, nhường cái sự nghiệp kinh doanh của chồng cho cô thư ký “biết làm ăn và hiểu chồng mình”. Hoặc ngược lại, những ông chồng không có khả năng làm chủ, bất tài, ngồi bán ngoài chợ, bán bánh xèo… đứng sửng sờ khi thấy vợ mình đi với người khác sau khi vợ xong việc bán hàng!
Nguyên nhân 3: Doanh nhân có thói quen là quyền của người có của. Tức tôi có quyền xử lý các vấn đề liên quan đến sức mạnh từ của cải, vì quyền lực của doanh nhân là của cải, chứ không phải là súng đạn. Cho nên cái quyền lớn nhất là dùng của, tiền bạc để giải quyết chuyện này chuyện kia ngoài xã hội. Vô tình, thói quen đó đã trở thành công cụ sở trường để ứng xử văn hóa với gia đình mình. Trong văn hóa gia đình, tiền chỉ là một phương tiện mà thôi, chứ không phải là tất cả. Doanh nhân nào có văn hóa sẽ hiểu được có những thứ khác giá trị hơn tiền.
Nguyên nhân 4: Có phú quý phải sinh lễ nghĩa, giàu sinh sang. Khi doanh nhân giàu có thì bắt đầu sính lễ nghĩa. Cho vợ đi học ngoại ngữ, nhảy đầm, đi học giao tiếp với nước ngoài, đi học làm bánh bông kem, trang điểm… Rồi vợ tập hợp thành nhóm với những người có tiền, đi shopping, đi spa, mà đôi khi chồng mãi lo công việc kinh doanh nên không hề quan tâm đến. Bao nhiêu tiêu cực xảy ra từ đây. Sau giàu rồi sang. Sang thì sang trọng – tức là phải làm cho người khác trọng mình bằng cách thuê cảnh vệ, thư ký, nói tiếng Anh. Con em của doanh nhân cũng sẽ học làm sang từ bố mẹ. Chúng cũng thực hành với bạn bè. Cho nên có những con em của doanh nhân dám kéo bạn cùng lớp vào tolet, dám đi hát karaoke với bạn trai khi chỉ có 2 người, hoặc dám bạo lực học đường và vô cảm với bạn bè, rồi đánh bạn, lột áo, quay phim trận đánh bạn, xem đó là kết qủa của tiền.
Nguyên nhân 5: Lo ăn. Nếu một doanh nhân chỉ ăn lời ngon ngọt, ăn hối lộ, ăn thân xác người khác, ăn trí tuệ người khác – tức đạo văn, ăn lương tâm người khác – tức là lấy lòng người bằng tất cả mọi biện pháp để được việc thì những “cái ăn” đó dẫn đến “quả” là rạn nứt, vì cái gì của người ta, không phải của mình thì trước sau gì cũng sẽ phải trả lại cho họ, bị tội tham ô, sẽ phải mang tiền đi nộp lại. Khi bao nhiêu cái ăn đó trả hết nên gia đình khánh kiệt, dẫn đến gia đình lục đục. Như thế, nếu doanh nhân chỉ biết chu cấp vật chất cho con em thì dẫn tới 4 quả: Quả (1) là trong gia đình mình nặng chủ nghĩa mua sắm, chủ nghĩa hàng hóa; Quả (2) là gia đình không cần đi làm sẽ lười biếng; Quả (3) là gia đình sẽ quen thói “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, chảnh, hại thân, đối với tình làng nghĩa xóm không có; Quả (4) là bản thân gia đình mình sẽ trở thành cô độc trong sự ồn ào của giàu sang.
Nguyên nhân 6: Doanh nhân không hình thành cho doanh nghiệp mình và cho con em của mình một giá trị tinh thần. Do bận làm ăn, lối xóm mời đám tiệc thì không đi, nếu đi phải lựa chỗ có thế, có “sinh lời” mới đi. Ở xóm có đam tang cũng không đến viếng, vì nghĩ rằng người ta không cùng địa vị với mình. Những cái nhỏ đó người ta quên hết, người ta cho rằng cái đó là việc của ai người đó làm. Nhưng tới cái “quả” sẽ nhận, đó là khi gia đình anh có sự cố, nhà anh có ma chay cũng sẽ không có ai đến thắp nhang cả, vì trước đó bản thanh anh đâu có thắp nhang cho ai trong cái xóm của anh. Vậy có nghĩa là anh đi mua sự cô độc trong từng hành động của mình đối với xóm làng.
Nguyên nhân 7: Anh không mang giá trị tinh thần đến cho con em, cho gia đình của anh, nguyên nhân vì anh không hiểu văn hóa là một giá trị. Giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất. Doanh nhân có văn hóa sẽ biết xây dựng giá trị tinh thần cho gia đình mình. Cái giá phải trả của một doanh nhân không biết giá trị tinh thần là chỗ anh làm xong cuối đời cho ai? Vợ anh thì đã đi lấy trai, con anh thì dính vào ma túy… Do tư duy của doanh nhân cho rằng giá trị của mình là sự thành đạt, mà thành đạt cao nhất là kiếm được nhiều tiền, nên mọi hành động của anh là tìm đủ mọi giải pháp để kiếm tiền mà thôi. Đó là điều nguy cơ nhất hiện nay. Doanh nhân không xây dựng thương hiệu, văn hóa gì cả, nên trong bối cảnh hội nhập quốc tế chỉ là người kiếm bạc lẻ của thế giới mà thôi. Người nhà của doanh nhân thì đanh đá, thiếu hiểu biết, chỉ biết ăn xài, không có nghề nghiệp, cho nên rất nhiều chủ tiểu thương, chủ kinh tế gia đình, cả một gia đình nảy ra buôn bán chụp giựt, không để lại một ấn tượng tốt đẹp gì cho người mua. Có bao nhiêu doanh nhân thành đạt mà hạnh phúc? Phiền não, buồn phiền, suy sụp, trốn tránh, tránh né, đắm chìm trong cái kiếm ăn, xài tiền, sành điệu nhưng gia đình lại tan nát. Cuối cùng những người thành đạt nhất quay lại cái gia đình thì không còn gì hết, nên dựng phú quý của dòng họ lên bằng cách viết hồi ký, dựng thanh danh lên nhưng mà tình làng nghĩa xóm, hoặc đồng nghiệp, đồng hương người ta thấy “không muốn ngửi”.
Nguyên nhân 8: Đó là doanh nhân lấy dục vọng, tiền bạc làm mục đích đeo đuổi, để thành đạt nhưng con em ở nhà lại hư trước tuổi. Có doanh nhân trong quá trình làm ăn, do dục vọng của tiền bạc, do mục đích cho nên trước khi làm cái gì thì đi cúng, rồi ăn chay, sau khi ăn chay rồi quay ra ăn mặn, nhậu tới bến! Do đó dẫn tới bệnh tiểu đường, thấp khớp, mỡ trong máu, người bất bình thường. Dự định làm ăn - cúng, rồi ăn chay, tạ lễ, xong rồi nhậu, thành công rồi chơi xả láng, ăn xài, tự thưởng, đó là logic của dục vọng và tiền bạc. Đó không phải là văn hóa doanh nhân.
Nguyên nhân 9: Gia đình rạn nứt, bởi vì văn hóa học đòi. Học đòi phú quý, lễ nghĩa, thời trang, phong cách… những cái mang tính biểu diễn mà họ không có trí tuệ chân thật và một lần nữa gia đình họ không hề có trí, giác, tri, ngộ, mà bên ngoài chỉ là ánh hào quang đẹp đẽ một thời. Đến đời con của họ thì chấm hết! Nên có nhiều doanh nhân rơi vào hoàn cảnh “Đời cha làm thầy, đời con đốt sách”, hoặc “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Có nhiều người lãnh đạo rất giỏi, rất cao nhưng đứa con rễ đang tiêu diệt từng giờ dòng họ mà chẳng biết. Có người rất giàu có và phú quý nhưng con dâu đang làm ô danh và khiến tất cả sụp đổ. Có doanh nhân, đời người vợ trước của họ cực kỳ chân thật nhưng con bồ hay đời vợ sau đang tiêu diệt toàn bộ sự nghiệp của họ mà họ không hề biết.
HOÀN CẢNH 8:
GIA ĐÌNH TAN VỠ
Gia đình tan vỡ là sao? Là đỉnh cao của rạn nứt và cuối cùng của rạn nứt. Thế thì nguyên nhân tan vỡ là nguyên nhân của rạn nứt nhưng điều quan trọng phải nhận diện được tan vỡ mới là điều quyết định. Có 3 nhận diện: (1) Gia đình đã tan vỡ, (2) Gia đình đang tan vỡ, (3) Gia đình sẽ tan vỡ. Doanh nhân nên nhìn nhận trong doanh nghiệp của mình, mỗi một gia đình nhỏ trong doanh nghiệp của mình họ đang tan vỡ, đã tan vỡ hay sẽ tan vỡ? Và bản thân gia đình riêng của doanh nhân và trong hội đồng quản trị của mình là sẽ tan vơ, đang tan vỡ hay đã tan vỡ? Nhận diện tức là dừng lại, thấy rõ tức là tìm được giải pháp, có giải pháp rồi thì mới quay về hành động, đó là người có trí, hành động một cách bình tĩnh, tìm nguyên nhân giải quyết là người có tuệ. Có 5 cách giải quyết mà doanh nhân có văn hóa thường chọn để xây dựng văn hóa gia đình của họ:
Cách 1: Giáo dục gia đình của mình, công ty, đại lý, nhà phân phối luôn luôn bảo lưu truyền thống dân tộc Việt. Ví dụ: Bảng hiệu là tiếng Việt phải lớn hơn, tiếng Anh phải nhỏ lại; Logo dính tới cái gì của nước ngoài phải giảm và tăng giá trị Việt của mình lên, vì người ta mua là mua trí tuệ Việt chứ không phải là nhái Âu, Mỹ… vì cái đó người ta đã có rồi. Người ta cần mua cái mà người ta không có, tức là cái của mình. Hãy bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của gia đình mình trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cách 2: Xu hướng doanh nhân bây giờ là xu hướng tiếp cận đa văn hóa, tức là khi hội nhập WTO, thì ta phải hội nhập với 149 nền văn hóa của 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, rồi mỗi dân tộc lại có những nền văn hóa khác nhau. Vậy đa văn hóa đang ồ ạt vào Việt Nam qua nhiều kênh, nhiều người, nhiều sản phẩm, nhiều logo, bao bì, kiểu dáng, chúng ta phải nhận diện rằng đó là việc tự nhiên. Nhưng chúng ta muốn không bị hòa tan trong hòa nhập này, thì phải có cái riêng của mình, đó là truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Chúng ta có thể chưa hiểu hết về chính trị, chưa hiểu hết về quy trình điều hành đất nước, nhưng chúng ta hãy quay về vấn đề dân tộc và chúng ta thật sự là máu đỏ da vàng, dân tộc Việt, chúng ta hãy xây dựng văn hóa dân tộc Việt của mình để làm trụ, làm cột, rễ, làm gốc, còn nhánh ngọn, lai ghép là ở bên trên, là văn hóa của xứ người.
Cách 3: Gia đình doanh nhân là một gia đình đa quan hệ, có thể là mình sau lũy tre làng, mình có làng xóm nhưng khi bước vào kinh doanh thì có hàng trăm mối quan hệ khác mà doanh nhân và gia đình doanh nhân phải chịu những tác động của quan hệ ấy. Không thể biến gia đình doanh nhân trở thành ốc đảo, làm cho doanh nhân trong gia đình mình trở thành cô độc. Doanh nhân đã quá cô độc trong tổng thể mối quan hệ của họ rồi, quá khó khăn trước những ứng xử đa văn hóa rồi và chỉ còn gia đình để nương tựa. Nếu gia đình không còn chỗ nương tựa nữa thì họ biết quan hệ với ai, sống vì ai?
Cách 4: Chịu tác động của giáo dục đa thông tin. Sáng sớm mở cửa ra đã thấy quảng cáo học thêm, giấy giới thiệu gạo, hóa đơn điện, đủ thứ, đó là đa thông tin. Mở một kênh truyền hình có biết bao nhiêu thứ. Như vậy, gia đình doanh nhân phải xem truyền hình đa thông tin, phải sử dụng internet, sử dụng rất nhiều tư liệu khác nhau và phải quan sát, chia sẻ, chứ không thể cấm đoán được. Ban đêm, điện thoại reng vì doanh nhân phải làm việc giao dịch, kinh doanh và cả buổi tối để bảo vệ báo cáo, tin tức thương trường, rồi ban đêm bên này là sáng còn bên kia thì tối, như vậy gia đình sẽ bị xáo trộn trong sinh hoạt vì đa thông tin. Lâu lâu có một thông tin xấu về doanh nhân của mình, thì gia đình cũng phải bình tâm soi xét. Ngược lại, doanh nhân cũng phải biết kết hợp với những kênh thông tin chính đáng, hợp tác với nhà báo, PR, báo chí, các nguồn cung cấp tư liệu, tài liệu chân chính để có lượng thông tin chính thống. Đa thông tin là như thế, phải coi thông tin là một tài nguyên văn hóa của gia đình doanh nhân và tài nguyên đó phải được xây dựng, chia sẻ.
Cách 5: Giáo dục nhân quả. Ai giáo dục nhân quả tốt bao nhiêu cho gia đình mình thì gia đình sẽ ít làm bậy bấy nhiêu. Cán bộ công nhân viên được giáo dục nhân quả thì công ty đó bình an. Tranh giành, đánh đấm, mất đoàn kết nội bộ sẽ giảm; nhân viên đi giao dịch với khách hàng thì lời ăn tiếng nói sẽ hiền hòa hơn. Tranh chấp, bỉ ổi, thủ đoạn, cường hào ác bá là không nhân quả tốt.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã nghiên cứu hoàn cảnh hình thành nên một gia đình doanh nhân. Khi có gia đình doanh nhân sẽ bị 1 trong 8 hoàn cảnh sống tác động và chi phối. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp có thể có 8 hoàn cảnh này tác động vào tâm tư, tình cảm của CBCNV hoặc Hội đồng quản trị, hoặc tâm tư của nhà cung cấp, nhà thầu phụ, đối tác… Văn hóa gia đình doanh nhân là yếu tố quan trọng trong đời sống kinh doanh và ảnh hưởng chu kỳ “Sinh – lão – bệnh – tử” của một doanh nghiệp, nhất là khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp, thì văn hóa gia đình doanh nhân có tầm ảnh hưởng ngầm rất mạnh đối với chủ doanh nghiệp.
Gia đình Việt, con em Việt, dân tộc Việt thì phải có văn hóa Việt. Còn doanh nhân Việt sẽ đứng lên từ hai nền tảng: Gia đình Việt và dân tộc Việt. Doanh nhân chỉ thật sự thành đạt nếu doanh nhân xây dựng và trụ trên 2 nền tảng này. Đặc biệt, sự nghiệp kinh doanh của một doanh nhân đều có âm hưởng của đời sống văn hóa gia đình. Đằng sau sự thành công của doanh nhân phải để lại một nền tảng, sự tồn tại của gia đình doanh nhân và có cả sự tồn tại của gia đình những công nhân làm việc cho doanh nhân đó. Và, triết lý kinh doanh của doanh nhân có văn hóa nó chứa đựng rất rõ triết lý văn hóa của gia đình doanh nhân.
“Xây dựng Văn hóa gia đình Doanh nhân” chỉ là cuốn sổ tay với 3 chương ngắn gọn, và cũng chỉ là “tiếng chuông nhỏ” để thông tin các nội dung, sự phát hiện về nguồn gốc xây dựng “Văn hóa gia đình” cho mỗi doanh nhân.
Ý kiến bạn đọc