TRƯỜNG DOANH NHÂN MQA - KỶ LỤC
TRUNG TÂM HỢP TÁC QUỐC TẾ - ĐÀO TẠO NHÂN TÀI

Đăng nhập

Danh mục bài giảng

Bộ đếm

  • Phút online: 1.425
  • Tổng lượt truy cập: 7.218.435

Hỗ trợ trực tuyến


Thời gian hỗ trợ từ:
Trưa: 11h đến 14h
Enable GingerCannot connect to Ginger Check your internet connection
or reload the browserDisable in this text fieldEditEdit in GingerEdit in Ginger×
OCOP
20 NĂM KINH TẾ XANH VỚI TS MỘC QUẾ
smart city
NÔNG NGHIỆP SẠCH
HÀNH TRÌNH
du học Nhật bản

Người lưu giữ bài thuốc quý cho đời

Đăng lúc: Thứ hai - 18/05/2020 03:31 - Người đăng bài viết: Quản trị cao cấp
Người lưu giữ bài thuốc quý cho đời

Người lưu giữ bài thuốc quý cho đời

Không chỉ dành trọn đời để nghiên cứu, phát huy bài thuốc chữa bệnh, lương y Nguyễn Văn Long còn dành cả tâm huyết để chữa bệnh miễn phí cho người gặp khó khăn. Đã vậy, ông còn dày công xây dựng một vườn thuốc quý để giúp mọi người dân khi cần.

 

Bén duyên nơi xứ trầm

Một ngày cuối tháng 3, khi cả nước đang dồn sức chống chọi với dịch Covid-19 thì ở xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), lương y Nguyễn Văn Long vẫn ngày đêm miệt mài với nghề y. Ông cũng chẳng khác gì những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, chỉ mong sao bệnh nhân sớm được chữa khỏi, trở lại với cuộc sống hàng ngày.

Dù đã bước qua tuổi 76 nhưng lương y Long vẫn khỏe mạnh, rắn chắc, đôi mắt sáng và rất minh mẫn. Trong căn nhà cấp 4 ngát hương mùi thuốc nam, ông tường tận kể về “nghiệp y” của mình. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương đất võ Bình Định, trong một gia đình cả nội và ngoại đều có truyền thống nghề y. Từ năm lên 8 tuổi, ông bôn ba đây đó cùng với ông bà ngoại - vốn là những người nổi tiếng vùng đất võ - hành nghề thuốc, đi chữa bệnh khắp các vùng quê.

Từ chỗ một cậu bé đi phụ việc, ông được ông bà truyền lại cho cách làm thuốc, chữa bệnh gia truyền. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trong một lần đi khám chữa bệnh tại Khánh Hòa, mảnh đất nơi đây đã níu chân ông. Ông quyết ở lại vùng đất này để hành nghề thuốc nam và cái tên lương y Nguyễn Văn Long được người dân xứ trầm hương biết đến từ đó. 

Người lưu giữ bài thuốc quý cho đời ảnh 1Lương y Nguyễn Văn Long hướng dẫn con gái - người đang nối nghiệp mình công dụng từng cây thuốc
Bắt đầu mọi việc trên mảnh đất lạ nên khó khăn, nhất là nguyên liệu thuốc không có sẵn, phải mua từ rất nhiều nơi khác nhau. Khó khăn chồng chất hơn khi việc vận chuyển thuốc mất cả tháng trời mới vào tận nơi, có khi thuốc phải vứt bỏ do hư hỏng trên đường vận chuyển. Không chủ động được nguồn thuốc chữa bệnh, công việc của ông gặp vô vàn khó khăn. Trong nhiều lần lang thang đây đó để chữa bệnh cho người dân, ông nhìn thấy có rất nhiều cây thuốc quý mọc dại trong vườn nhà dân, ven đường làng, kênh mương…

Điều đó khiến ông ngạc nhiên và nghĩ đến ý tưởng phải xây dựng một vườn thuốc quý tại chỗ để chủ động. Kể từ năm 1990, vợ chồng lương y Nguyễn Văn Long bắt đầu lặn lội khắp các đồng quê, đường làng, vườn nhà dân để xin cây thuốc đem về trồng. Có loài ông phải lên tận các khu rừng sâu, mất vài ngày đường mới tìm thấy. Hễ ai mách ở đâu có cây thuốc, ông lại khăn gói đi ngay. Vậy nên, chỉ sau 5 năm, vườn thuốc nhà ông đã kín chỗ với trên 50 loài cây thuốc quý được trồng, đáp ứng không nhỏ vào việc tạo nguyên liệu thuốc chữa bệnh.

Đến nay, ông tự hào hơn khi vườn thuốc nhà ông ngày được mở rộng với cả trăm loài cây thuốc, diện tích vườn thuốc hơn 200m2 đã ken kín. Tiến sĩ Nguyễn Thướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa, thông tin, vườn thuốc gia đình ông được ngành y tế giới thiệu là nơi cung cấp giống dược liệu của tỉnh. Hội Đông y tỉnh cũng chọn vườn thuốc nhà ông là vườn thuốc mẫu, nơi cung cấp, nhân giống các loại cây thuốc cho trạm y tế, doanh trại bộ đội, chùa chiền...

Sẻ chia bài thuốc quý

Lương y Nguyễn Văn Long có thời gian dài công tác tại Trạm y tế xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm. Dù bận nhiều công việc, nhưng ông là tấm gương sáng cho nghị lực luôn tự học, say mê với việc sưu tầm, chế biến thuốc. Đa số những bài thuốc của ông đều được bào chế từ những loại thuốc quý, trong đó có nhiều loại hiếm như: bồ công anh, kim ngân, sài đất, ké đầu ngựa, hoắc hương, xuyên tâm liên, đinh lăng, sâm đại hành, xạ can, xáo tam phân...

Các bài thuốc làm từ cây thuốc được ông Long chế biến sang dạng viên nên rất dễ sử dụng. Tiến sĩ Nguyễn Thướng cho biết thêm, trong các bài thuốc của lương y Nguyễn Văn Long thì bài thuốc “Sát độc hoàn” là một điển hình cho cả quá trình mày mò nghiên cứu. Bài thuốc này từ năm 2013 đã được chọn báo cáo điển hình tại Hội thảo khoa học các môn thuốc, bài thuốc của các dân tộc, tôn giáo Việt Nam do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Chỉ với 2 thành phần là củ ráy tía và củ cun (thổ phục linh), bài thuốc tỏ ra có hiệu quả trên các chứng bệnh phong, chàm, tổ đỉa, vảy nến, tiêu độc. “Đây là bài thuốc tâm đắc của ông Long được lưu truyền từ đời ông bà ngoại và được ông hoàn chỉnh hơn sau nhiều năm đèn sách”, tiến sĩ Thướng thông tin thêm. 

Sau thời gian dài bài thuốc này được ứng dụng tại Trạm y tế xã Cam An Nam, được đánh giá cao, người dân tin dùng. Hàng chục năm qua, những bệnh nhân nghèo khu vực Cam Lâm, Cam Ranh và 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa biết tới những bài thuốc của ông Long thông qua các đợt khám chữa bệnh từ thiện do ngành đông y tổ chức. Mỗi năm 2 đợt, ông Long không chỉ nhiệt tình trong các đợt chữa bệnh từ thiện mà còn sẵn lòng tặng bệnh nhân nghèo các loại thuốc quý từ vườn thuốc của mình, xem đó như một nghĩa cử nêu cao y đức, tạo phúc cho đời. 

Không chỉ tham gia các đoàn khám, chữa bệnh từ thiện, hàng tuần, ông Long còn sắp xếp thời gian thăm khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân trong khu vực tại phòng mạch của mình. Dù tuổi đã cao nhưng ông không hề nề hà, mà xem đó là niềm vui. Mỗi chuyến đi theo đoàn từ thiện, ông đều mang thuốc để tặng người nghèo. Thông qua Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa, lương y Long cũng gửi tặng thuốc cho chiến sĩ đảo Trường Sa. Anh Bùi Văn Nam, người dân xã Cam An Nam, tâm sự rằng, mỗi khi trái gió trở trời, người nhức mỏi, khó chịu là anh tìm đến xin thuốc thầy Long. “Thầy có nhiều bài thuốc hay, rất dễ sử dụng nên tôi thường tới đây để lấy thuốc chữa bệnh cho cả nhà. Đặc biệt, thầy Long có bài thuốc chuyên mẩn ngứa, quấy khóc. Hai đứa con nhà tôi đều dùng thuốc đó”, anh Nam bày tỏ.

Những người nối nghiệp “đặc biệt”

Trong những năm qua, không chỉ có những bài thuốc về giải độc, lương y Nguyễn Văn Long còn sáng chế ra nhiều cách để chữa đau xương khớp, đau lưng, huyết áp, béo phì, u xơ, u nang, chàm vảy nến. Những loại thuốc này thường được ông cấp phát miễn phí khi người bệnh được thăm khám và có hoàn cảnh khó khăn. Ai khá giả thì ông lấy một khoản kinh phí rất ít để mua thêm các loại thuốc đã thiếu. Những đóng góp của lương y Nguyễn Văn Long đã được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen năm 2018, vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; bằng khen của BCH Trung ương Hội Đông y Việt Nam vì đã có thành tích trong công tác thừa kế, bảo tồn môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đông y... 

Trong gian nhà rộng hơn 50m2, ông dành nơi trang trọng để trưng bày những bằng khen, giấy khen qua nhiều năm cống hiến. Nhưng có lẽ “bằng khen” lớn mà lương y Nguyễn Văn Long thấy vui nhất chính là nhìn thấy nhiều bà con được chữa khỏi bệnh qua những bài thuốc ông dày công nghiên cứu. Để những bài thuốc y đức không thất truyền, hiện nay lương y Nguyễn Văn Long thường xuyên viết lại các bài thuốc mà mình tâm đắc gửi cho Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa để nghiên cứu, áp dụng, đó như một sự chia sẻ lớn lao.

Đóng góp của lương y Nguyễn Văn Long cho y đức là một câu chuyện đẹp đáng lưu truyền. Ông và gia đình tự hào vì được chữa lành bệnh cho nhiều người. Nhưng có lẽ niềm vui lớn của đời ông chính là những “hậu duệ” sẽ nối nghiệp ông đã có. Đó là chị Nguyễn Thị Linh Thảo, năm nay 40 tuổi, con gái giữa trong số 7 người con của ông bà. Chị Thảo vốn có hơn 10 năm dạy học, nhưng có lẽ cơ duyên trời định, sau nhiều lần cùng cha đi làm từ thiện và lăn lộn với thuốc nam từ nhỏ, nên cách đây 5 năm, chị quyết theo học nghề y sĩ và nối nghiệp cha, làm cho cha vui hơn những ngày tháng về già. “Nghề của ông cha mình là nghề cao quý, tích đức, nay tôi rất vui vì đứa con gái đã theo nghề cha, thằng con út cũng đang có chí hướng đó. Tôi an tâm chữa bệnh, bốc thuốc cho đến khi… tim ngừng đập thì thôi”, ông Long tâm sự.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc