Năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Đây là năm thứ ba liên tiếp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng tương đối cao (trên 6,5%) và duy trì được mức lạm phát thấp (dưới 4%).
Những con số này không chỉ là thành tựu kinh tế của một năm hoặc của Chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành. Nó còn là khẳng định tính đúng đắn của chủ thuyết kinh tế trọng cung mà Việt Nam, dù không tuyên bố, nhưng đã theo đuổi tương đối nhất quán từ năm 2012 tới nay.
Chủ thuyết kinh tế trọng cung là gì?Kinh tế trọng cung là một chủ thuyết kinh tế tổng quát hóa lại các chính sách kinh tế thực tiễn mà chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan theo đuổi trong thập niên 1980. Nội dung chủ đạo của nó là giảm sự can thiệp của nhà nước vào trong nền kinh tế, khôi phục vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, và thúc đẩy thương mại quốc tế.
Để giảm sự can thiệp của nhà nước, các chính phủ trên thế giới theo đuổi chính sách trọng cung ưu tiên cắt giảm các loại thuế khóa, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, và đẩy mạnh tư hữu hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chính sách tiền tệ cũng trở nên trung tính hơn, hướng đến kiểm soát lạm phát ở mức thấp và duy trì ổn định hệ thống, thay vì hỗ trợ tín dụng cho một số ngành cụ thể. Các lĩnh vực dịch vụ công ích cũng được chuyển dịch dần sang khu vực tư nhân cung cấp, từ điện, nước, khí đốt cho đến giáo dục, y tế.
Song song với đó, các chính phủ này gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh để hạn chế sự thao túng thị trường của các doanh nghiệp quy mô lớn. Gỡ bỏ các rào cản thương mại cũng là một trọng tâm của các quốc gia lúc bấy giờ, với trọng tâm là chuyển đổi hiệp định chung về Thuế quan Thương mại (GATT) thành Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) vào năm 1995 và liên tục mở rộng thành viên vào các năm tiếp theo. Có thể nói, những quốc gia theo đuổi nhất quán nguyên lý kinh tế trọng cung đã gặt hái được những thành công rõ ràng, từ Mỹ, Anh, cho đến Hàn Quốc, Singapore.
Nguyên lý kinh tế trọng cung hiện nayCuộc đại suy giảm kinh tế 2008-2009 tưởng chừng làm hồi sinh lại chủ thuyết kinh tế trọng cầu của Keynes. Tuy nhiên, với việc Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2016, thì một lần nữa chủ thuyết kinh tế trọng cung này lại được nhấn mạnh và phát triển lên một tầm cao mới.
Ngay khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh gỡ bỏ hầu hết các rào cản kinh doanh do chính quyền Obama dựng lên trước đó. Một trong những yêu cầu nổi tiếng của ông đó là cơ quan chính quyền nào muốn ban hành thêm một quy định (regulation) thì phải gỡ bỏ ít nhất hai quy định. Ông cũng đã thành công trong việc thông qua luật cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% xuống còn 21%. Chính quyền của ông cũng đang đưa ra các giải pháp cải cách mạnh mẽ các lĩnh vực y tế, giáo dục, và bảo vệ môi trường theo hướng khuyến khích sự tham gia của các thành phần tư nhân và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thành quả của chính sách kinh tế trọng cung mà Tổng thống D.Trump theo đuổi là Mỹ duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, và giá cả tiếp tục ổn định trong bối cảnh các nước phát triển khác đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, Mỹ đã vượt qua Thụy Sỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh.
Một nội dung quan trọng nữa của chủ thuyết trọng cung mà chính quyền Donald Trump theo đuổi hiện nay là tạo dựng một môi trường tự do thương mại toàn cầu công bằng giữa các quốc gia. Việc Mỹ đàm phán lại NAFTA hay khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc cần được theo dõi và diễn giải theo hướng Mỹ mong muốn các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, phải tuân thủ các luật chơi thương mại quốc tế công bằng nếu không sẽ bị trừng phạt.
Những chính sách kinh tế trọng cung triển khai tại Việt NamTại Việt Nam, kể từ năm 2012, sau thất bại của chính sách kích cầu năm 2009-2010 khiến lạm phát tăng vọt trở lại vào năm 2011, Chính phủ đã lần lượt áp dụng những nguyên lý cơ bản của chủ thuyết kinh tế trọng cung.
Trước hết, Chính phủ nhấn mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Kể từ năm 2013 trở lại đây, CPI hàng năm đã giảm dưới hai con số và ổn định ở mức 3-4%. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng theo đó cũng ổn định, đặc biệt kể từ khi Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách điều chỉnh tỷ giá trung tâm linh hoạt từ đầu năm 2016. Chính sách thuế được cải cách theo hướng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 22% và tiếp đó xuống còn 20% kể từ năm 2016.
Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể từ năm 2015 trở lại đây. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã cho phép doanh nghiệp được đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào mà Nhà nước không cấm. Đồng thời Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh. Kể từ đó, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được gỡ bỏ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, từ mức 98/185 năm 2012 lên mức 69/190 vào năm 2018. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã liên tục tăng kể từ năm 2015.
Việt Nam cũng đã tích cực chủ động hội nhập quốc tế với việc ký hiệp định tự do thương mại với một loạt quốc gia và khu vực. Sự chủ động này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất thế giới.
Những chính sách trọng cung còn dang dở tại Việt NamCải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và cung ứng dịch vụ công tại Việt Nam diễn ra quá chậm chạp. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra định hướng cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước từ năm 2012 nhưng phải đến cuối năm 2018 Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập, kỳ vọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình cải cách khu vực này. Khu vực dịch vụ công lập mới có chủ trương đẩy mạnh cải cách theo hướng tự chủ từ năm 2015. Kết quả cho đến nay gần như chưa có gì nổi bật.
Việc tinh gọn bộ máy nhà nước vẫn dừng ở khẩu hiệu. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh thiếu hiệu quả. Vấn đề là Chính phủ vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ để tinh gọn bộ máy.
Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất vẫn chưa đi vào thực chất. Do thiếu những chính sách nhất quán và rõ ràng, thay vì đổi mới sáng tạo để phát triển, nhiều doanh nghiệp vẫn coi tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi là giải pháp chính để phát triển.
Một trong những nguyên lý trọng yếu nhất của chủ thuyết kinh tế trọng cung là tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng. Và để có được môi trường cạnh tranh công bằng, thì việc xây dựng một hệ thống tư pháp mà người dân và doanh nghiệp tin tưởng trở thành nhân tố có tính quyết định. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp hiện nay vẫn có xu hướng tìm đến sự phán xử của các nhà lãnh đạo thay vì đưa tranh chấp ra tòa án. Việc thiếu một hệ thống tư pháp độc lập không chỉ cản trở người dân và các doanh nghiệp trong nước phải hành xử theo pháp luật mà còn cản trở doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng những thành công trong những năm vừa qua cho thấy việc kiên trì theo chủ thuyết trọng cung để phát triển kinh tế sẽ mang lại trái ngọt trong dài hạn. Đấy chính là con đường rõ ràng nhất mà chúng ta biết để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc