Không chỉ lo sợ sự cố xảy ra trên biển hay giá sản phẩm đánh bắt thấp, không đủ sở hụi, nhiều chủ tàu cũng nơm nớp lo thiếu thuyền viên mỗi chuyến ra khơi, bởi nhiều người không muốn theo cái nghề nặng nhọc mà nhiều rủi ro này.
Không chỉ lo sợ sự cố xảy ra trên biển hay giá sản phẩm đánh bắt thấp, không đủ sở hụi, nhiều chủ tàu cũng nơm nớp lo thiếu thuyền viên mỗi chuyến ra khơi, bởi nhiều người không muốn theo cái nghề nặng nhọc mà nhiều rủi ro này.
Việt Nam cần đào tạo mới 15.000 sĩ quan, thuyền viên
Cơ sở đào tạo thuyền viên đóng cửa vì... không có học viên
Sợ thuyền viên bỏ trốn, nhiều tàu không vào bờ tránh bão
Biển đã cạn cá? - Kỳ 2: Đỏ mắt tìm thuyền viên - Ảnh 1.
Tàu tiền tỉ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm phơi mưa nắng vì thiếu lao động đi biển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dọc các cảng cá ở miền Trung, chúng tôi ghi nhận nhiều tàu cá phải nằm bờ do thiếu bạn tàu (thuyền viên) đi biển, thậm chí nhiều chủ tàu phải bán lỗ tàu cá do không tìm được bạn để ra khơi đánh bắt.
Tàu nằm bờ do thiếu bạn tàu
Dù bán hết cá từ nhiều ngày trước nhưng ông Trần Công Tuấn, chủ đôi tàu QNg 98761 và QNg 98762, vẫn đang đậu ở cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do chưa tìm được đủ bạn. Hơn một năm nay, đội tàu của nhà ông Tuấn có thêm những thành viên rất trẻ, hầu hết có quan hệ ruột thịt với ông Tuấn.
Người trẻ tuổi nhất là em Trần Hữu Tài (con ông Tuấn), năm nay mới 16 tuổi. Vì tàu của cha thiếu bạn nên hè năm lớp 10 Tài "bỏ ngang" để theo cha ra biển. "Mấy chuyến vừa rồi em chủ yếu nấu ăn và phụ nhặt cá. Ba với mấy chú sai gì thì làm nấy chứ cũng chưa rành", Tài cho biết.
Theo ông Tuấn, thông thường hai tàu đi biển lúc nào cũng phải nhiều hơn 17 lao động lành nghề. Nhưng hai năm trở lại đây tuyển người không ra nên cứ gom đầu người, thấy đáp ứng được là lấy cho ra khơi. "Tìm đỏ mắt cũng không đủ quân, mà toàn là ngư dân "non" nên phần việc chia đều cho anh em trên biển nặng lắm", ông Tuấn nói.
Tình trạng thiếu lao động nghề biển buộc các chủ tàu phải tìm cách "chiêu mộ" thuyền viên. Trước đây, tỉ lệ ăn chia sau khi trừ tổn (chi phí đi biển gồm dầu máy, thức ăn, đá cây...) thường là chủ tàu 7, người lao động 3. Nhưng do thiếu người đi biển, để khuyến khích anh em gắn bó với tàu nên nhiều tàu có tỉ lệ tính công cho lao động được chia lại 6/4.
Tuy vậy, không phải tàu nào cũng tìm đủ quân số để ra khơi. Bà Lê Thị Sơn (một chủ ở quận Sơn Trà) nói mỗi lần tàu vào bờ là một lần "đau tim". "Nếu xong phí tổn chia ra có lời thì anh em mới gắn bó. Còn tàu nào lỗ cỡ vài ba chuyến, chắc chắn tàu nằm bờ luôn vì anh em không có thu nhập. Nhiều khi tàu bán không đủ sản lượng phải bán ngay cho tàu hậu cần trên biển vì sợ vào bờ ngư dân bỏ tàu", bà Sơn nói.
Tại cảng Thọ Quang, hàng trăm tàu phủ bạt nằm bờ do thiếu lao động, nhiều tàu từ đầu năm đến nay vẫn chưa đi chuyến biển nào. Tại phường Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng có rất nhiều tàu cá tiền tỉ nằm phơi mưa nắng do không cạnh tranh lại với các nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở du lịch trong việc thu hút lao động, vì nghề biển lại vất vả và thu nhập bấp bênh.
Chi bạo để tránh nằm bờ
Tại Gành Cả (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - ngôi làng nổi tiếng với nghề lặn gắn với ngư trường Hoàng Sa, tình trạng thiếu người đi biển còn bi đát hơn. Chỉ tính riêng đội tàu hành nghề lặn hơn 60 chiếc của làng này nay chỉ còn một nửa ra khơi, còn một nửa đang nằm "đắp mền" tại cảng Tịnh Hòa hơn một năm nay. Không những tàu nằm bờ, hầu hết các chủ tàu ở đây đều lâm nợ vì "lỡ tin bạn tàu".
Vừa có chuyến đi tìm bạn từ Khánh Hòa đến Kiên Giang trở về, ông Nguyễn Văn Tàu, chủ tàu QNg 95239, than: "Tui đã ứng trước 20 người, mỗi người 30 triệu đồng nhưng giờ vào tới nhà năn nỉ, bao xe cũng không đứa nào chịu ra cả. Có đứa cùng lúc nhận tiền của 3-4 tàu nên trốn đi tàu khác, có đứa vào tới nhà cũng không chịu trả nợ".
Theo ông Tàu, khác với các loại nghề đánh bắt khác, tàu lặn muốn "có ăn" phải có quân số đông và thuộc loại "chất lượng cao", những "rái cá" có kinh nghiệm đi biển dạn dày. Để giữ chân lao động, các chủ tàu thường rất bạo chi, cho lao động ứng tiền trước. Thậm chí, chỉ cần có người đứng ra giới thiệu, chủ tàu ở đây có thể chuyển hàng chục triệu đồng cho các ngư dân chưa hề quen biết ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định...
"Từ đầu năm đến nay tui mất trắng gần 200 triệu đồng vì gặp nhiều trường hợp thất hứa, nhận tiền nhưng không có mặt ra khơi", ông Tàu cho biết. Nhiều chủ tàu ở Gành Cả cũng gặp tình trạng bị xù nợ hàng trăm triệu đồng.
"Chủ tàu cần bạn nên nhiều người lợi dụng nhận tiền cùng lúc 3-4 tàu với lời hứa đi bạn, sau đó lại xù", ông Võ Út, chủ tàu QNg 90449, kể.
Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, đội tàu đánh bắt của địa phương này có trên 350 chiếc, trong đó hơn phân nửa số đó là tàu đánh bắt xa bờ. Tình trạng khan hiếm lao động khiến tàu nằm bờ nhiều nhất ở loại hình đánh bắt giã cào và nghề lặn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, cho biết do việc đóng mới và nâng công suất tàu cá diễn ra quá nhanh, việc tìm lao động để bù đắp với sự phát triển số lượng là rất khó khăn. "Một số chủ tàu buộc phải thay đổi công năng tàu chuyển sang hành nghề cần ít lao động hoặc chấp nhận cho tàu nằm bờ", ông Hùng cho biết.
Ông Phùng Đình Toàn (phó trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi): Tốc độ tăng trưởng tàu thuyền quá nhanh
Việc thiếu lao động đi biển là thực trạng chung xảy ra trên cả nước do tốc độ tăng trưởng tàu thuyền quá nhanh, trong khi nghề biển lại bấp bênh nên lao động không mặn mà đi biển.
Ngoài ra, do Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ dầu theo công suất máy nên tại Quảng Ngãi có rất nhiều tàu thuyền công suất lớn, hình thành một đội hình đánh bắt xa bờ.
Về lâu dài, giải pháp cho vấn đề này vẫn là tổ chức quy hoạch lại tàu thuyền, quy định số tàu đóng mới mỗi năm, vận động một số tàu giã cào chuyển đổi công năng cũng như tạo điều kiện để lao động nghề biển có thu nhập cao hơn.
Ý kiến bạn đọc