Có một phiên chợ chỉ mở bán 3 ngày trong tháng nhưng đã thu hút khá đông người bán lẫn người mua.
Phiên chợ tiền tỷĐiều độc đáo của phiên chợ này là chỉ mở cửa bán từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là nơi những người trồng sâm ở núi Ngọc Linh mang sâm xuống bán. Người mua khắp cả nước đổ về đây với mong muốn tìm được loại sâm thật, đúng với số tiền họ bỏ ra mua loại dược liệu quý này. Có phiên chợ thu về gần 10 tỷ đồng.
Từ khi nhiều người biết đến cây sâm Ngọc Linh như một loại dược liệu quý thì mặt hàng này được quan tâm đặc biệt hơn. Như lời của một vị khách đến từ TP.HCM vào phiên chợ này để tìm mua những củ sâm Ngọc Linh chất lượng nhất và bảo đảm không phải là hàng giả.
Điều đặc biệt hiếm thấy ở các phiên chợ trên cả nước là ở phiên chợ này, khách mua hàng có thể đến tại tổ thẩm định (đặt ngay cổng phiên chợ) để kiểm tra từ chất lượng cho đến trọng lượng củ sâm. Theo ông Trịnh Minh Quý, tổ trưởng tổ thẩm định sâm Ngọc Linh, mỗi củ sâm trước khi đưa vào phiên chợ đều phải thông qua tổ thẩm định để chắc chắn không phải sâm giả. “Bên cạnh đó, khi khách hàng mua sâm tại các ki ốt mà cảm thấy không yên tâm thì có thể đưa đến bàn chúng tôi để tiến hành kiểm tra một lần nữa. Nếu xảy ra sai sót gì thì chúng tôi sẽ yêu cầu chủ cửa hàng phải giải quyết cho khách” - ông Quý cho biết. Có lẽ đó cũng là điều khiến du khách cảm thấy yên tâm nên đã trực tiếp lặn lội từ phương xa đến đây mua hàng.
Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tại phiên chợ sâm hàng tháng, ngoài mặt hàng được quan tâm nhất là sâm Ngọc Linh thì còn có hơn 20 loại nông sản khác nhau là đặc trưng của vùng núi Nam Trà My được bày bán, giới thiệu với du khách, như giảo cổ lam, quế Trà My, đẳng sâm, hay sơn tra… Đã có nhiều mặt hàng, đặc biệt là cây dược liệu trên địa bàn tìm được các doanh nghiệp thu mua, chiết xuất, sản xuất ra những sản phẩm mang hương vị của Nam Trà My. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho nông sản của địa phương này.
Mỗi phiên chợ chỉ diễn ra 3 ngày trong tháng nhưng thu về tiền tỷ.
Cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Mỗi hécta thu vài chục tỷ đồngÔng Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Sâm Ngọc Linh có nguồn gốc địa lý tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum là loại dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, đến nay đưa vào khai thác vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là sâm củ, các sản phẩm sản xuất từ cây sâm Ngọc Linh chưa nhiều, chưa cao. Đối với tỉnh Quảng Nam, đã nhận thức được rằng cây sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con miền núi”.
“Hiện tại Nam Trà My có khoảng 1.200ha sâm Ngọc Linh, trong số đó 95% là của người dân trồng. Sâm Ngọc Linh chỉ thích nghi với khí hậu nhiệt đới, thổ nhưỡng mà trời đã ban cho vùng đất đó. Nếu bón phân, tưới nước củ sâm sẽ thối. Sâm được trồng theo cách truyền thống chứ chưa trồng theo phương pháp áp dụng kỹ thuật và chưa thể trồng tại đồng bằng và đại trà như sâm Hàn Quốc”, ông Bửu nhấn mạnh.
Giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 70-100 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý.
Để bảo tồn sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh”, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn nguồn gien gốc sâm Ngọc Linh, đồng thời tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, tạo ra các sản phẩm dược liệu”. Dự án mở ra tín hiệu lạc quan cho Quảng Nam về “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, giúp nâng tầm vị thế cho địa phương, đưa thương hiệu nhân sâm Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống và giữ gìn màu xanh quê hương…
Cây sâm mang giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân miền núi thoát nghèo mà nhiều nông dân còn trở thành tỷ phú.
Ngoài cây sâm, phiên chợ cũng đã bày bán nhiều mặt hàng đặc trưng vùng núi cao Quảng Nam Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh ở đỉnh Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum). Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa.
Ý kiến bạn đọc