“Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha, chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh đã kết thúc mà mình quên đi tất cả lịch sử của dân tộc” – Đó là lời tâm huyết của anh Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán Dinh Độc Lập) - một chiến sĩ Biệt động đã bất chấp hiểm nguy của gia đình, hiến dâng cả gia tài, sự nghiệp cho cách mạng. Ông Trần Văn Lai chính là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm căn hầm chứa vũ khí tại di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nhân dịp kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968
Đưa hầm chứa vũ khí trở thành Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia
Sau ngày đất nước thống nhất, cảm phục những chiến công và sự hi sinh của cha mẹ mình cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, anh Trần Vũ Bình đã bỏ nhiều công sức, tiền của để mua lại những căn nhà, hiện vật vốn là nơi hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn. Sau đó, anh tổ chức phục dựng lại để làm di tích cho mọi người đến tham quan, tìm hiểu về những hoạt động thầm lặng nhưng chứa biết bao kì tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Di tích Biệt động Sài Gòn đầu tiên được anh Trần Vũ Bình tìm cách phục dựng là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, Quận 3, TPHCM). Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn nhớ lại: “Đây là một trong ba căn nhà liền kề số
287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu đã được ông Trần Văn Lai dùng tiền cá nhân mua lại theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi mua được căn nhà, ông đã kiên trì, bí mật đào đắp để xây dựng nên một căn hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội đô Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Thiệp, vợ ông Trần Văn Lai cho biết: “Xây dựng xong hầm bí mật trong căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, chồng tôi đã lợi dụng vỏ bọc nhà thầu khoán của mình; mưu trí, dũng cảm ra vào căn cứ nhiều lần để vận chuyển hơn 2 tấn vũ khí về chứa trong hầm, đảm bảo cho trận tấn công Dinh Độc Lập và một số mục tiêu khác”.
Với tâm niệm: Phục dựng căn nhà một cách nguyên trạng nhất chứ không tu sửa bằng vật liệu mới, cùng với chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, anh Trần Vũ Bình đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư phục dựng lại căn nhà để xây dựng thành di tích. Anh đã phải lặn lội đi nhiều nơi, nghe ở đâu có hiện vật của Biệt động Sài Gòn là anh lại tìm đến thương lượng để mang về. Mất mấy năm gom nhặt mới đủ vật liệu để phục dựng căn nhà. Sau bao ngày vất vả, năm 1988, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia; trở thành "địa chỉ đỏ" nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến thăm.
Trần Vũ Bình (thứ 2 từ bên phải) và gia đình đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân do Đảng, Nhà nước truy tặng cho ông Trần Văn Lai
Tin vui lại đến khi mới đây, sau bao ngày tháng kì công liên hệ, thuyết phục chủ nhà, anh Trần Vũ Bình đã mua lại được căn nhà số 287/72, liền kề di tích 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, và anh đang cùng các cộng sự bắt tay vào phục dựng hầm bí mật trong căn nhà này để liên kết thành cụm di tích.
Mở quán cà phê tại di tích Biệt động Sài GònĐể đảm bảo cho hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, ông Trần Văn Lai còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu. Điển hình trong đó là căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1, TPHCM), nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, được ông Trần Văn Lai mưu trí xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy. Căn nhà được ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn – bà Nguyễn Thị Sự, những người thợ làm cùng trong xưởng trang trí nội thất của mình và cũng là 2 chiến sĩ cách mạng quản lý.
Anh Trần Vũ Bình (thứ 2 từ bên trái) và gia đình đón đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đến tham quan di tích 113A Đặng Dung
Sau khi cha qua đời vào năm 2002, anh Trần Vũ Bình đã mất hơn 10 năm để tiếp nhận và phục dựng nguyên trạng căn nhà. Cùng với việc tích cực khôi phục nguyên hiện trạng 2 hầm nổi, hộp thư bí mật, lối kiến trúc xưa của căn nhà, anh Trần Vũ Bình còn tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây. Đặc biệt, anh đã cho mở lại tại Di tích 113A Đặng Dung quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn theo vỏ bọc ngày xưa của căn nhà. Anh mở quán nhưng không quá chú trọng đến lợi nhuận, mà chỉ muốn tạo điều kiện để mọi người đến đây có thể vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn.
Trân trọng việc làm đó của anh Trần Vũ Bình, nhiều bạn bè, người thân của anh đã nhiệt tình hỗ trợ: Người thì tập hợp các bài viết liên quan đến di tích và Biệt động Sài Gòn; người am hiểu công nghệ thì lập trang fanpage để quảng bá. Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, không chỉ là nơi để khám phá ẩm thực hay chỉ để thỏa mãn trí tò mò mà còn trở thành một trong những "địa chỉ đỏ" hấp dẫn, được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học lựa chọn khi tổ chức các hoạt động về nguồn. Một số nghệ sĩ, người đẹp bắt đầu chọn di tích để thực hiện các bộ ảnh nghệ thuật.
Đến tour du lịch kết nối các di tích Biệt động Sài Gòn
Sau thành công của quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, anh Trần Vũ Bình đã mạnh dạn triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại. Khách tham gia tour du lịch sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt như hầm chứa vũ khí để Biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, quán phở Bình - Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Di tích 113A Đặng Dung - nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, nơi làm nội thất cho dinh Độc Lập - 145 Trần Quang Khải… Trong tour du lịch này, du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà còn trải nghiệm ẩm thực, giao lưu với người dân, nhân chứng lịch sử tại các địa điểm lưu trú… Với ý nghĩa lịch sử đó, tour đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi tháng, có từ 10 đến 20 đoàn tham quan.
Có một điều đặc biệt ở tour du lịch này là người dẫn các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm nào. “Đó là cách để mấy anh em cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà cha ông mình đã để lại, chính người trong cuộc phải hiểu và trân quý điều đó thì mới có thể hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người đến tham quan được” - anh Trần Vũ Bình cho biết.
Sau hơn 20 năm không ngại khó khăn, tốn kém, đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc, lần tìm các manh mối, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, đến nay, anh Trần Vũ Bình đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về Biệt động Sài Gòn. Điều đáng trân trọng là anh không giữ những hiện vật đó là của riêng, mà dùng để xây dựng các di tích lịch và sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng để phát huy giá trị của hiện vật. Được biết, trong năm 2017 gia đình anh Trần Vũ Bình đã tặng 1 chiếc xe ô tô mà ông Trần Văn Lai đã từng sử dụng để đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí cho Bảo tàng Thái Bình. Trước đó, gia đình anh cũng đã tặng 1 chiếc xe khác còn đặc biệt hơn cho Bảo tàng Đặc công, đó là chiếc ô tô hiệu HINO-PICKU P số hiệu EC- 6045 mà cha anh cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã trực tiếp sử dụng để di chuyển, đánh vào dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968.
Nói về những việc làm của anh Trần Vũ Bình, PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM cho biết: “Đầu tư biết bao công sức, tiền của để giữ lại nhiều căn nhà là cơ sở của Biệt động Sài Gòn ở nội thành. Nếu đưa những căn nhà đó vào kinh doanh thì sẽ thu được lợi nhuận lớn. Nhưng với tâm huyết và trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, anh Trần Vũ Bình đã sử dụng làm di tích để mọi người đến tham quan, tìm hiểu miễn phí. Đó là điều rất đáng trân trọng”.
Ý kiến bạn đọc